CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giám sát cần tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương và có kiểm tra chéo

04/11/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Để triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát năm 2022, sáng 04/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến ''Triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022''.
Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Nhà Quốc hội với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội - Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội…

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân sân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành hữu quan, các tổ chức chính trị - xã hội.

Công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp. Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Khóa XV đều khẳng định đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Do đó, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình giám sát chi tiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội chỉ phê chuẩn Nghị quyết phê chuẩn chương trình giám sát của Quốc hội, còn việc thành lập Đoàn giám sát và đề cương, kế hoạch chi tiết từng chuyên đề giám sát giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây chính là điểm đổi mới so với trước đây.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 04 giám sát chuyên đề, trong đó 02 giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch"; 02 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã".

Trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung dành nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác chuẩn bị, huy động được tổng thể trí tuệ của đại biểu Quốc hội, sự đóng góp của các cơ quan chức năng rất sâu sát trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát như Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ... Các kế hoạch, đề cương chi tiết đã được thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, quyết định ban hành quyết định thành lập các Đoàn giám sát cũng như các kế hoạch, đề cương giám sát chi tiết.

Nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, giám sát phải đảm bảo phải hiệu lực, hiệu quả, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay; phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng tham gia thực hiện giám sát. Trong cả 4 chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương; mời và giao nhiệm vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện giám sát.

Đồng bộ về phương thức giám sát, cụ thể hóa về trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn¸ có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực. Có như vậy, sau giám sát, chúng ta mới hy vọng có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Về phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, tỉnh, thành nào làm ở tỉnh thành đó và có kiểm tra chéo lẫn nhau. Hội đồng nhân dân làm độc lập, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Đoàn giám sát cũng làm độc lập, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng làm độc lập. Qua giám sát phải chỉ ra được những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay là do tổ chức thực hiện. Tới đây, phải tăng cường công tác giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục đích của Hội nghị quán triệt này là tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và hậu giám sát. Giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, giám sát phải khoa học. Tổ chức giám sát phải chặt chẽ. Cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh. Chúng ta cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước”. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, hoạt động giám sát sẽ tạo ra sự lan tỏa rất lớn, hiệu lực, hiệu quả giám sát sẽ được tăng cường.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, trên cơ sở quá trình thực hiện giám sát giai đoạn trước, các Bộ, ngành địa phương đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Đồng thời, theo các đại biểu, đối với các chuyên đề giám sát lần này, cần đi sâu, làm rõ việc lựa chọn phương thức giám sát bảo đảm linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gắn liền với kết quả thực thi văn bản pháp luật trên thực tế; giải pháp huy động có hiệu quả sự tham gia của cơ quan Kiểm toán nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội và các chuyên gia; cơ chế phối hợp hiệu quả, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức triển khai 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức

(quochoi.vn)
Tìm kiếm