CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nghiện ma túy từ 12 - 18 tuổi

07/04/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáng 6/4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Pháp lệnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phiên họp thứ 9 thông qua.

Buổi họp báo do Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Thanh Hải chủ trì, với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TAND tối cao) và đại diện Văn phòng Quốc hội.

Đảm bảo tính thân thiện trong thi hành Pháp lệnh

Giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là TAND cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của TAND cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Thanh Hải chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TH. 

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cũng cho biết, để đảm bảo tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến, đồng thời, theo quy định của Pháp lệnh thì phiên họp phải đáp ứng các yêu cầu như: Được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn; Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Để đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh có những quy định cho Tòa án và Thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị.

Tại phiên họp, Thẩm phán mặc trang phục hành chính của TAND; Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị hỗ trợ người bị đề nghị; Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Với mục đích đảm bảo quyền được học tập cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Pháp lệnh quy định người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong trường hợp họ đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự Kỳ thi Tốt nghiệp THPT hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được cơ sở giáo dục nơi họ học tập xác nhận.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành Pháp lệnh

Để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc thực hiện Pháp lệnh, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho hay, quá trình nghiên cứu, xây dựng Pháp lệnh, các cơ quan chức năng đã đánh giá tác động vấn đề này. Cụ thể, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm, quản lý trực tiếp đã rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du thông tin về một số nội dung cơ bản của Pháp lệnh. Ảnh: TH.

Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, sự ra đời của Pháp lệnh này chắc chắn sẽ làm gia tăng đáng kể khối lượng công việc cho các Tòa án, đặc biệt là các Tòa án nhân dân cấp huyện.“Trong thời gian tới, TAND tối cao sẽ phối hợp với các bộ ngành có liên quan (Bộ Công an, Viện kiểm sát, Bộ Tài chính) để lập kinh phí triển khai thi hành Pháp lệnh này như hoạt động tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chi phí tố tụng khác có liên quan…”, ông Du nói.

Bên cạnh đó, đây lại là một loại việc mới liên quan đến đối tượng đặc thù là người dưới 18 tuổi nên đòi hỏi các Thẩm phán tham gia xem xét, quyết định phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Đây chính là những thách thức đối với hệ thống Tòa án trong việc giải quyết loại việc này trong thời gian tới.

Hiện nay, TAND tối cao đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh, trong đó chú trọng vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực hiện có và có kế hoạch đào tạo để đảm bảo thi hành Pháp lệnh hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên nghiện ma túy.

Vy Anh (dangcongsan.vn)
Tìm kiếm