CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - xây dựng và trưởng thành

03/04/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), diện tích trên 1.144 km2 và được cơ cấu thành 12 đơn vị hành chính cấp xã; dân số khoảng chừng 22.720 người, chủ yếu là người đồng bào các dân tộc khác nhau cùng chung sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao...
VKSND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - xây dựng và trưởng thành
 
 
Tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát huyện Phước sơn đón nhận Huân chương lao động hạng nhì
 
Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), diện tích trên 1.144 km2 và được cơ cấu thành 12 đơn vị hành chính cấp xã; dân số khoảng chừng 22.720 người, chủ yếu là người đồng bào các dân tộc khác nhau cùng chung sinh sống, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ khá cao. Do đó, mùa thu năm 1977, Đảng và Nhà nước cho thành lập huyện mới Phước Sơn ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất tổ quốc nhằm tập trung nhân lực, vật lực xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa-xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn. Song song với việc thành lập đơn vị hành chính mới, lãnh đạo ngành cấp trên cho thành lập Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn để hòa chung làm việc cùng bộ máy hành chính huyện Phước Sơn mới.  
Là huyện miền núi cao nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, bốn bề hiểm trở, phía Tây Nam có đường biên giáp với tỉnh bạn Kon Tum cho nên công tác quản lý trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn phức tạp, đường đất giao thông độc đạo, núi non hiểm trở, đi lại làm việc công tác từ trung tâm hành chính huyện đến trung tâm hành chính tỉnh lỵ trên 100 cây số, chưa kể đường giao thông liên thôn, liên xã chủ yếu là đường đất lầy lội, nhân dân đi lại mua bán, giao thương hàng hóa khó khăn vô vàn. Trong 15 năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh Quảng Nam đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đầu tư, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện xây dựng các đơn vị huyện miền núi vùng sâu, vùng xa theo kịp các huyện đồng bằng. Trên cơ sở đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện nhà sớm ổn định, khai thác tiềm năng sẵn có do thiên nhiên ưu đãi như: Lâm sản quý hiếm, vàng sa khoáng, khí hậu mùa hè mát mẻ nhằm giúp cho con người đầu tư khai thác du lịch - dịch vụ, khách sạn ngày càng phát triển tạo thế mạnh đẩy nền kinh tế - xã hội của huyện Phước Sơn theo kịp các huyện bạn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trung tâm thị trấn Khâm Đức có đường Hồ Chí Minh đi qua, là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên nên rất thuận lợi cho việc đi lại giao thương hàng hóa với các tỉnh bạn và đến nay bộ mặt thị trấn Khâm Đức nói riêng và huyện Phước Sơn nói chung đã đơm hoa khoe sắc mỗi ngày, kinh tế - xã hội của huyện phát triển gấp nhiều lần so với mười năm trước đây, nhất là du lịch - dịch vụ ăn uống, khách sạn phục vụ khách vãng lai là thế mạnh của huyện. Bên cạnh thuận lợi, thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các tội phạm về khai thác lâm sản trái phép, đào đãi vàng sa khoáng, tranh giành lãnh địa, mua bán, sử dụng chất ma túy trái phép xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp.
Với điều kiện và đặc điểm tình hình của một địa phương núi non hiểm trở, dân cư thưa thớt, tình hình tội phạm diễn ra khó lường, song những ngày đầu mới thành lập, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn chỉ có hai biên chế phải gánh vác mọi nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương giao cho trong nhiều năm qua. Tuy nhiên từ sau năm 1997 trở lại đây, được cấp trên đã đầu tư xây dựng lại trụ sở làm việc khang trang, sạch đẹp, đào tạo và bổ sung biên chế đến thời điểm hiện tại tương đối ổn định. Trong đó, ba cán bộ lãnh đạo Viện, bốn Kiểm sát viên-Kiểm tra viên, một kế toán và một hợp đồng bảo vệ cơ quan. Đơn vị có tổ chức Chi bộ đảng, tổ chức Công đoàn sinh hoạt độc lập và trực thuộc cấp ủy, Công đoàn huyện. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đều là đảng viên, trong đó bốn người đã qua chương trình lý luận chính trị cao cấp; bảy người tốt nghiệp cử nhân luật. Với đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên khiêm tốn như vậy nhưng phải công tác, học tập đạt kết quả tốt. Để có được mặt bằng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chính là nhờ sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, UBND huyện và ngành chủ quản cấp trên đã tạo điều kiện và cổ vũ động viên tinh thần cho cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện an tâm công tác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh về mọi mặt.
Từ năm 2006 đến nay, năm nào lãnh đạo Viện kiểm sát huyện Phước Sơn cũng chủ động xây dựng chương trình công tác phối hợp liên ngành. Điều trước tiên, liên ngành phải thực sự đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ chung, xóa bỏ tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”. Mỗi ngành phải bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ của cấp trên giao cho, xây dựng kế hoạch công tác chuyên môn của mỗi ngành để triển khai thực hiện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Sự nhất quán của liên ngành trong những năm qua, Viện kiểm sát và Công an huyện đã phân loại xử lý 337 tin báo tố giác tội phạm chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo cho việc khởi tố đúng người, đúng tội. Đặc biệt không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người không có tội để phải bồi thường thiệt hại oan sai; khởi tố điều tra 252 vụ/263 bị can, Viện kiểm sát truy tố 150 vụ/ 190 bị can, chủ yếu các tội phạm về tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; vận chuyển trái phép chất độc Xyanua với số lượng lớn; khai thác lâm sản trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện như: Các xã Phước Đức, Phước Công, Phước Hiệp và các khu vực xung quanh lòng hồ thủy điện, gây thiệt hại đáng kể về tài nguyên rừng; tội giết người... Qua đó, Tòa án huyện đưa ra xét xử và không có trường hợp nào Tòa tuyên bị cáo không phạm tội. Trong đó, Tòa án đưa ra xét xử lưu động 40 vụ, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố thẩm vấn sắc sảo và luận tội sắc bén khiến bị cáo phải cúi đầu nhận tội, được mọi người tham dự phiên tòa và nhân dân trong khu vực đồng tình ủng hộ.
Với kết quả đạt được của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn trong những năm qua, đã được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCH Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba năm 2006 và nhiều năm liền được Viện kiểm sát nhân dân tối cao trao tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua từ năm 2006 đến năm 2010 và UBND tỉnh Quảng Nam tặng cờ thi đua dẫn đầu khối các huyện miền núi. Đặc biệt năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCH Việt Nam tặng thưởng Huân chương lao động Hạng nhì.
Vừa qua, Viện kiểm sát huyện Phước Sơn chủ trì Hội nghị công tác phối hợp liên ngành, nhằm đánh giá kết quả đạt được và rút kinh nghiệm những mặt tồn tại trong công tác phối hợp liên ngành, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2012 là: Quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tội phạm trên địa bàn, nhất là tình trạng thanh niên ở các địa phương khác tập trung đến Phước Sơn tham gia vào việc phá rừng, đào đãi vàng, kéo theo tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy trái phép xảy ra có chiều hướng gia tăng, tinh vi và phức tạp. Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Ba ngành ở địa phương cần phối hợp chặt chẽ và đề ra kế hoạch cụ thể về dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn, nhất là trong quản lý lâm sản, khoáng sản, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy... để có phương án triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành theo Nghị quyết 49/NQ-TW và Chỉ thị 48/CT-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Đồng thời tại Hội nghị này, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phước Sơn tổ chức lễ đón nhận Huân chương lao động Hạng nhì, phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng cho Viện kiểm sát nhân dân huyện năm 2011.
(Theo Kiểm sát online)
Tìm kiếm